Viêm vùng chậu: Điều trị như thế nào?

Viêm vùng chậu là một bệnh lý phụ khoa thường gặp, khiến người phụ nữ cảm thấy tự ti, không thoải mái trong các sinh hoạt hằng ngày. Việc trì hoãn thăm khám và điều trị viêm vùng chậu có thể gây diễn tiến như là một bệnh lý nghiêm trọng, dẫn đến vô sinh hay các biến chứng nguy hiểm tính mạng. Tìm hiểu các phương pháp điều trị viêm vùng chậu dưới đây để có cách tuân thủ thích hợp, giúp việc chữa bệnh được hiệu quả cao.

1. Sử dụng kháng sinh chuyên biệt

Điều trị bằng kháng sinh cần phải được bắt đầu nhanh chóng ngay khi có chẩn đoán là viêm vùng chậu. Thậm chí, ngay cả khi chỉ mới có các triệu chứng nghi ngờ, sau khi đã lấy được các mẫu bệnh phẩm mà không cần chờ đợi kết quả, bệnh nhân cũng cần được chỉ định kháng sinh sớm. Mục đích điều trị bằng kháng sinh là nhằm tiêu diệt vi trùng, ngăn ngừa sự lây lan, có thể giúp đề phòng các biến chứng nghiêm trọng, bảo tồn cấu trúc và chức năng cho các cơ quan về sau.

Điều trị bằng kháng sinh chuyên biệt khi có chẩn đoán viêm vùng chậu

 

Viêm vùng chậu thường do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây ra, thường gặp là nhiễm chlamydia, lậu hoặc mycoplasma ở bộ phận sinh dục. Do đó, loại kháng sinh được chọn ban đầu thường theo kinh nghiệm cũng như mức độ nhạy cảm kháng sinh tại địa phương. Thông thường sẽ phối hợp kháng sinh phổ rộng ngay từ đầu. Nếu đánh giá lại các dấu hiệu lâm sàng không đáp ứng hoặc kết quả nuôi cấy ra tác nhân gây bệnh thì sẽ đổi thuốc theo kháng sinh đồ.

Loại chế phẩm kháng sinh được dùng có thể là đường uống, đường tiêm bắp, đường tiêm tĩnh mạch hay viên đặt tại chỗ. Điều này là tùy vào chỉ định của bác sĩ, phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, các bệnh lý đi kèm hay sự nhạy cảm của vi khuẩn. Nếu mức độ viêm vùng chậu nhẹ và thuốc sẵn có đường uống, bạn sẽ được kê toa thuốc ngoại trú và uống thuốc tại nhà, tái khám theo hẹn. Ngược lại, trong những trường hợp viêm nặng nề hoặc bạn đang có thai, bạn có tiền căn dị ứng thuốc, bạn có thể phải nhập viện để được dùng kháng sinh qua đường tiêm truyền và theo dõi kỹ lưỡng hơn.

Tương tự như điều trị các bệnh lý viêm nhiễm khác, bác sĩ sẽ đánh giá đáp ứng thuốc theo từng mốc thời điểm trong phác đồ và khi đã quyết định sử dụng kháng sinh thì cần tuân thủ đúng liều lượng, hoàn thành đủ phác đồ nhằm tránh tái phát cũng như đề kháng kháng sinh. Ngoài ra, cần cân nhắc về việc tránh thai bắt buộc trong quá trình dùng thuốc vì một số kháng sinh là chống chỉ định khi mang thai do làm tăng dị tật thai nhi.

2. Động viên điều trị cho cả bạn tình

 

Để ngăn ngừa tái nhiễm viêm phần phụ, việc điều trị không chỉ với chính bản thân bạn mà còn với cả đối tác của bạn, nhất là khi quan hệ không dùng bao cao su. Chính vì thế, cần động viên bạn tình đến thăm khám, thực hiện các xét nghiệm kiểm tra và điều trị sớm, nhằm đảm bảo mối quan hệ an toàn cho cả hai bên.

Việc này đôi khi sẽ gặp khó khăn vì đối tác có thể đã bị nhiễm bệnh nhưng hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ gì. Vì vậy, sự đồng cảm, chia sẻ lúc này là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, để việc điều trị đạt hiệu quả, bạn nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi cả bạn và đối tác của bạn đã hoàn thành quá trình điều trị.

3. Các điều trị hỗ trợ khác

 

Nếu bạn bị đau quanh xương chậu hoặc đau vùng bụng dưới, bạn có thể uống thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen trong khi bạn đang điều trị bằng kháng sinh.

Nếu bạn có đặt dụng cụ tử cung như vòng tránh thai, bạn cần khai báo với bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét đến việc tháo bỏ dụng cụ nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện sau vài ngày dùng thuốc, vì đó có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng. Tương tự như vậy, bạn cũng cần cho bác sĩ biết nếu bạn có từng thực hiện các thủ thuật tại chỗ như nạo hút thai, nội soi, sinh thiết buồng tử cung hay can thiệp trên các cơ quan lân cận như đại-trực tràng, tiết niệu… để bác sĩ định hướng sử dụng kháng sinh và theo dõi thích hợp.

Trong trường hợp bạn đang sử dụng các loại thuốc điều trị cho những bệnh lý đi kèm, bác sĩ cũng cần biết những điều này để lựa chọn thuốc an toàn, nhằm phòng tránh khả năng xảy ra tương tác thuốc.

Về việc quan hệ tình dục trong thời gian điều trị viêm vùng chậu, bạn cần có cách kiêng cữ tạm thời và cả chính đối tác của bạn. Việc này cần được nghiêm túc tuân thủ cho đến khi cả hai kết thúc liệu trình và các xét nghiệm cho thấy rằng nhiễm trùng đã được loại trừ.

Song song với dùng thuốc, người phụ nữ cũng cần biết cách giữ vệ sinh cá nhân và vùng kín thích hợp, tránh tạo nguy cơ bội nhiễm từ bên ngoài. Bạn cần chọn lựa trang phục rộng rãi, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt, tránh mặc quần áo chật chội hay bó sát cơ thể. Về dung dịch vệ sinh phụ khoa, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại phù hợp, đảm bảo cân bằng môi trường an toàn cho âm đạo. Vệ sinh kỹ lưỡng sau khi đại tiện, tránh thói quen thụt rửa trong âm đạo cũng như sử dụng băng vệ sinh dạng tampon, cúp nguyệt san trong những ngày điều trị viêm vùng chậu.

Người phụ nữ nên giữ vệ sinh vùng kín để tránh tạo nguy cơ bội nhiễm từ bên ngoài

 

Điều trị bằng phẫu thuật hiếm khi là cần thiết đối với các bệnh lý viêm vùng chậu. Tuy nhiên, nếu viêm vùng chậu cấp tính, gây đau bụng dữ dội hay có khối áp xe vỡ hoặc đe dọa vỡ, người bệnh có chỉ định phẫu thuật cấp cứu để bảo toàn tính mạng. Bên cạnh đó, nếu khối viêm nhiễm mạn tính không đáp ứng điều trị thuốc toàn thân, việc can thiệp ngoại khoa cũng cần nên cân nhắc. Chỉ khi ổ nhiễm trùng được giải quyết trọn vẹn, vấn đề viêm nhiễm mới có thể chấm dứt được.

Bên cạnh đó, các chăm sóc nâng đỡ khác cũng vô cùng cần thiết, vừa nâng tổng trạng, vừa tăng khả năng đáp ứng với thuốc. Bạn nên hoạt động nhẹ nhàng, dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Bạn có thể cần phải nằm trên giường trong vài ngày nếu mức độ nhiễm trùng nghiêm trọng nhằm tránh lây lan sang các cơ quan lân cận và toàn thân. Nên uống nhiều nước và ăn thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau xanh; tránh tiêu thụ quá nhiều chất béo hay dùng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…

4. Cách tự theo dõi trong quá trình điều trị

Nếu bạn được bác sĩ cho phép điều trị ngoại trú và theo dõi tại nhà, bạn sẽ được hẹn tái khám 3 ngày sau khi bắt đầu điều trị để bác sĩ có thể kiểm tra xem thuốc kháng sinh có hiệu quả hay không.

Ngược lại, nếu các triệu chứng của bạn chưa bắt đầu cải thiện trong vòng 3 ngày hoặc bạn có các triệu chứng viêm vùng chậu cấp tính, như sốt cao, nôn mửa, ngất xỉu hoặc đau dữ dội, bạn phải đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức. Vì viêm vùng chậu cũng có thể diễn tiến như là một bệnh lý nghiêm trọng, biến chứng nguy hiểm tính mạng và có khả năng gây tử vong nếu không can thiệp sớm.

Viêm vùng chậu là một bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa. Tương tự các bệnh lý viêm nhiễm tại các cơ quan khác, người phụ nữ cần được điều trị đúng chuyên khoa, tránh những di chứng đáng tiếc về sau và nhất là được đảm bảo sức khỏe toàn diện, tự tin tận hưởng hạnh phúc lứa đôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *