Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt đầy đủ nhất

Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt đầy đủ nhất

Phân tích nhân vật Trương Ba là dạng bài văn khó trong chương trình văn học. Đây là nhân vật độc đáo, thể hiện được nhân sinh sâu sắc của Lưu Quang Vũ.

Bài mẫu phân tích nhân vật Trương Ba

Mở bài

Lưu Quang Vũ được đánh giá là tài năng nổi bật của văn học Việt Nam thế kỉ trước. Ông đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc, có ý nghĩa nhân sinh đến tận sau này. Trong đó, tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được đánh giá cao về cả giá trị nội dung lẫn nghệ thuật. Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích cảnh 7 của vở kịch, ta sẽ hiểu rõ hơn bi kịch của nhân vật Trương Ba khi phải sống trong thân xác của một kẻ khác.

Thân bài

Trong văn đàn văn học Việt Nam, cái tên Lưu Quang Vũ đã không còn xa lạ. Ông nổi tiếng với các tác phẩm truyện, thơ và nổi bật nhất là các tác phẩm kịch. Kịch Lưu Quang Vũ không chỉ được trau chuốt từng chi tiết mà còn chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh về cuộc đời và con người.

Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt. Vở kịch xoay quanh cuộc đời của nhân vật Trương Ba, vốn là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp.

Ông có một tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ, là bạn cờ của Đế Thích. Vì sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu do gạch nhầm tên mà Trương Ba đã chết oan. Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà.

Ngỡ tưởng có thể sửa được lỗi sai ấy nhưng ai ngờ rằng quyết định này lại đẩy Trương Ba vào bi kịch mới khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác. Trương Ba vì phải sống tạm bợ, lệ thuộc nên dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất tốt đẹp vốn có của mình. Sự thay đổi ấy khiến Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tìm cách tách ra khỏi xác hàng thịt. Qua những diễn biến tâm lý và các cuộc đối thoại của nhân vật, những nút thắt dần được gỡ bỏ, chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về bản ngã, nhân sinh.

Đoạn trích cảnh 7 của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là phân đoạn đặc sắc nhất của tác phẩm. Tại đây, những chuyển biến tâm lý và nhân cách của nhân vật Trương Ba được bộc lộ một cách rõ ràng nhất.

Các cuộc đối thoại của nhân vật Trương Ba trong đoạn trích
  • Luận điểm 1: Cuộc đối thoại của hồn Trương Ba và da hàng thịt

 Cuộc chiến đấu lớn nhất của cuộc đời mỗi người là phải tự chiến đấu với chính bản thân mình. Dù hồn Trương Ba là một linh hồn riêng, thế nhưng thời gian sống trong xác hàng thịt sẽ không khỏi có những liên kết. Chính vì vậy, hồn Trương Ba đã dần thay đổi, nhiều khi suýt bị da hàng thịt điều khiển. Vậy nên, Lưu Quang Vũ đã xây dựng Trương Ba đấu tranh với chính mình trước tiên.

Trước hết, Trương Ba khẳng định mình vẫn là mình, “trong sạch, thẳng thắn”, vẫn “nguyên vẹn” không hề thay đổi. Ông cho rằng xác thịt chỉ là cái bề ngoài, “đui mù” và “không có ý nghĩa gì hết”. Nó sẽ không thể nào có tư tưởng, suy nghĩ, hoặc giả chăng nếu có thì sẽ là những suy nghĩ thấp kém, tầm thường mà thôi. Tuy nhiên lúc này, từ sự quả quyết, đanh thép, hồn Trương Ba lại dần dần đuối lí, “bịt tai lại”, tuyệt vọng tột cùng.

Trong khi đó, xác hàng thịt lại dùng những lí lẽ rất thực tế để lấn át hồn của Trương Ba. Anh ta cho rằng hồn không thể nào tự làm mọi việc, tất cả hoạt động đều phải nương nhờ thân xác mà thành. Anh ta không còn thái độ cợt nhả, giễu nại nữa mà mạnh mẽ hơn và cuối cùng chiến thắng được phần hồn. Có thể thấy, cuộc chiến giữa nhân cách và dục vọng, giữa phần con và phần người rất mong manh. Nếu không tin tưởng vào bản thân thì sẽ bị cái tầm thường lấn át đi khát vọng cao đẹp.

  • Luận điểm 2: Cuộc đối thoại của hồn Trương Ba và người thân

Sau khi chịu thua xác hàng thịt, hồn Trương Ba vẫn cố nương niềm tin vào những người thân yêu. Ông quả quyết bản thân vẫn là mình thuở trước, trong sạch và thanh cao. Thế nhưng trái ngược với sự chờ đợi, những người thân lại thấy Trương Ba đã thay đổi, đã không còn là người hiền hậu, “nguyên vẹn như xưa” nữa.

Trước hết, người vợ, người thân thuộc nhất với Trương Ba đau đớn, khóc lóc. Bà nhận ra Trương Ba đã không còn như trước mà đã đổi khác, “ông đâu còn là ông”, câu nói như đâm vào tim của Trương Ba. Cháu gái ông thì xua đuổi, cho rằng ông mình đã chết. Người ngồi trước mặt chỉ là một người bán hàng thịt vụng về, thô lỗ, phũ phàng mà thôi. Người con dâu thì thấu hiểu hơn, nhưng cũng nhận ra ông không còn là người cha hiền hậu như xưa nữa.

Từng người, từng người một, dù vị thế gia đình khác nhau, nhưng đều chung một nhận định về Trương Ba của hiện tại. Để rồi ông nhận ra rằng, bản thân quả đã thay đổi, đã bị phần xác lấn át đi những điều tốt đẹp của mình. Đến đây, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm, đòi hỏi phải có cách giải quyết thỏa đáng nhất.

  • Luận điểm 3: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích

Đến đây, hồ  Trương Ba đã vỡ lẽ và hiểu ra mọi chuyện. Ông đã giác ngộ ra rằng, con người sống cần phải có sự hoà hợp giữa linh hồn lẫn thể xác. Bản thân phải được là chính mình và sống một cuộc sống theo ý mình, như vậy mới là một cuộc sống có ý nghĩa. Ông khẳng định với Đế Thích: “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

Với Trương Ba, lúc này nếu như sống không được là mình, phải tạm bợ thì không còn ý nghĩa gì nữa. Sự sửa sai của quan trên chỉ là chắp vá, tạm bợ, bởi “ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”. Chỉ có Trương Ba, người phải sống nửa vời, mới thấu hiểu cái đau đớn ấy. “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”. Với ông, sự sống có nghĩa lý gì nếu như bản thân chai sạn, đổi khác, không còn là chính mình. Câu nói quả quyết ấy của Trương Ba như một lời khẳng định chắc chắn, và chúng ta có thể mường tượng ra tương lai, quyết định của nhân vật.

Quả đúng như vậy, để giữ cho tâm hồn trong sạch, Trương Ba đã đưa ra quyết định rất táo bạo: trả lại thân xác cho anh hàng thịt, còn mình thì “chết hẳn”. Ông cũng không chấp nhận nhập vào thân xác của cu Tí hay bất cứ ai nữa. Sự lựa chọn ấy tuy thật đau đớn nhưng lại là lựa chọn rất đúng đắn. Cái chết ư, ai mà không sợ. Nhưng sống mà nửa vời, lạc lối thì còn đáng sợ hơn cái chết. Quyết định này của Trương Ba còn có ý nghĩa rất lớn về quan niệm bản ngã, nhân sinh. Nếu đã sống, thì phải sống là chính mình, không vì những dục vọng tầm thường mà đánh mất nhân cách trong sạch vốn có. Đừng vì tiếc sự sống mà sống một cuộc đời tạm bợ, gian dối bản thân và lừa dối mọi người. Sống một cuộc sống trọn vẹn, thì dù khi ra đi, chúng ta vẫn có thể ở bên người thân và được những người thân yêu nhớ mãi, lưu giữ lại ở trong tim họ những kỉ niệm tuyệt vời nhất. 

Kết bài phân tích nhân vật Trương Ba

Với nghệ thuật độc đáo, sử dụng đối thoại chân thực, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã khắc họa thành công nhân vật Trương Ba với những nét đẹp đáng trân trọng. Đồng thời thông  qua việc phân tích nhân vật Trương Ba, chúng ta sẽ hiểu hơn về cuộc sống và quan niệm nhân sinh sâu sắc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *