Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân của tác phẩm “Vợ Chồng A Phủ”

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân của tác phẩm “Vợ Chồng A Phủ”

Ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đang được giới trẻ yêu thích. Không phải vô duyên vô cơ mà ca khúc lấy hình tượng nhân vật văn học lại được say mê đến vậy. Cùng phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở để biết vì sao Mị lại nổi tiếng như vậy nhé!

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Nhắc đến Tô Hoài, chúng ta không thể không nói tới tác phẩm văn học kinh điển “Vợ chồng A Phủ”. Đặc biệt khi phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân càng cho thấy qua nhân vật ấy, tác giả muốn gửi gắm những thông điệp vô cùng nhân văn.

  • Luận điểm 1: Mị trước đêm tình mùa xuân

“Vợ chồng A Phủ” được xem là truyện ngắn xuất sắc nhất của ông trong giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Câu chuyện xoay quanh nhân cuộc đời đầy biến cố và đau thương của nhân vật Mị và A Phủ dưới chế độ thực dân phong kiến thối nát. Tác phẩm nổi tiếng không chỉ nội dung sâu sắc mà còn ở tài sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn. Mị là đại diện tiêu biểu cho cuộc sống cơ cực, tủi nhục của những người lao động thời bấy giờ. Nhưng đồng thời, qua Mị nhà văn Tô Hoài cũng chứng tỏ cho độc giả thấy ý chí đấu tranh, sự vùng lên tự giải phóng của đồng bào miền núi Tây Bắc.

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, đầu tên phải nói tới phần mở đâu câu chuyện. Ở đây, nhà văn Tô Hoài đã cho Mị xuất hiện với dáng vẻ lầm lũi, cả ngày cúi đầu, không nói, không cười, như bóng ma nơi xó nhà. Thế nhưng, ông cũng không quên nhắc tới hoàn cảnh của Mị trước khi về nhà thống lý Pá Tra làm con dâu. Mị mồ côi mẹ, sống với cha già. Nhưng Mị xinh đẹp nết na. Mị đang tuổi thanh xuân, tràn đây sức sống như đóa hoa rừng thơm ngát, đầy sắc thắm. Đêm nào, đầu giường Mị cũng có trai làng đứng nhẵn để tỏ tình. Những tưởng rằng, đời Mị sẽ ấm êm hạnh phúc. Thế nhưng, cuộc đời đâu biết trước được chữ ngờ.

 

Trong một đêm tình mùa xuân, Mị bị người ta lừa gạt, bắt cóc rồi trở thành con dâu gạt nợ cho gia đình. Từ đây, cuộc đời Mị chuyển sang một trang khác, tối tăm mù mịt và đầy rẫy sự tủi nhục, cô đơn, ê chề. “Có đến mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc. Một hôm, Mị trốn về nhà, hai tròng mắt còn đỏ hoe. Trông thấy bố, Mị qùy, úp mặt xuống đất, nức nở”. Mị khóc cho số phận hẩm hiu của mình và nàng đã định tìm đến cái chết. Thế nhưng thương cha, Mị lại không nỡ. Mị lại trở lại nhà thống lý để làm con dâu gạt nợ. Đến lúc cha Mị chết đi, Mị cũng không còn thiết tha bỏ trốn nữa. Mị cứ sống như cái xác không hồn. Mị quên rằng thời gian vẫn không ngừng trôi. Mị vô cảm trước sự đời. Những tưởng rằng đời Mị như thế đã hết, nhưng không, trong đêm tình mùa xuân ấy, sức sống mãnh liệt bấy lâu vẫn ẩn dấu trong Mị như bừng tỉnh. Nó bùng lên dữ dội.

  • Luận điểm 2: Mị bừng tình trong đêm tình xuân

Mùa xuân trên rẻo cao thật đẹp. Dưới ngòi bút sắc bén của nhà văn, khung cảnh núi rừng Tây Bắc khi xuân về càng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn kỳ lạ. “Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, rét càng dữ. Nhưng trong các làng Mông Ðỏ, những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xoè như con bướm sặc sỡ”. “Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi. Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới”.

 

Đẹp thế, sống động thế bảo sao trái tim bao chàng trai cô gái không đập rộn ràng. Thế nên, thật không quá khó để hiểu vì sao, trong không gian, không khí đó, tâm trạng của Mị bỗng diễn biến phức tạp. Mị uống rượu. Mị lịm đi trước người nhảy đồng nhưng lòng Mị lại đang sống lại những ngày xưa, khi Mị còn trẻ.

Nhà văn đã cho Mị nghĩ “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Với cách dùng liên tiếp là những câu ngắn, câu khẳng định tác giả cho thấy tâm trạng Mị đang chuyển biến nhanh chóng và rõ rệt. Trái tim Mị nóng hổi. Lí trí Mị thôi thúc. Các mạch máu trong cơ thể Mị đang cuộn trào. Lúc này, Mị không chỉ cảm nhận được màu sắc rực rỡ, âm thanh rộn rã của mùa xuân mà Mị đã thực sự sống lại những ngày xưa.

Thực tại xót xa xen lẫn với quá khứ hạnh phúc khiến tâm hồn Mị rỉ máu. “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chì thấy nước mặt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường. “Anh ném pao/ Em không bắt/ Em không yêu Quả pao rơi rồi”. Lúc này đây, nhà văn Tô Hoài đã để Mị hiện ra với rất nhiều sự xáo trộn trong tâm trí. Mị bị giằng xe giữa buồn đau và vui sướng. Mị bị bóp nghẹt đến quặn đau giữa khát khao đi chơi với cảnh bị nhốt trong căn phòng tăm tối.

  • Luận điểm 3: Những hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân

Nếu như đoạn đầu tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã để nhịp truyện trôi đi chầm chập với cảnh lầm lũi của Mị thì đến đêm tình xuân, diễn biến diễn ra nhanh chóng như một thước phim điện ảnh. Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, sẽ thấy liên tục là những câu từ diễn tả sự chuyển động không ngừng. Mị say. Mị bừng tỉnh. Rồi “Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi. Mị cũng sắp đi chơi. Mỵ quấn lại tóc. Mỵ với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách. A Sử sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. A Sử nhìn quanh thấy Mị rút thêm cái áo”.

Một lọat các hành động của Mị diễn ra, tuy không gấp gáp nhưng rất dứt khoát. Dường như Mị không để ý rằng A Sử đang ở sau mình. A Sử đang dõi theo mọi hành động của Mị. Toàn thân Mị, tất cả tâm trí Mị đều đã dành cho những chuyến đi chơi vào đêm tình mùa xuân cùng bè bạn năm xưa. Khi trong đầu Mị vẫn cứ chập chờn tiếng sáo thì cũng là lúc A Sử trói đứng Mị. “A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trới đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột. Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa”.

Bị trói, nhưng Mị vẫn câm nín, không thốt ra lời nào kể cả một ánh mắt thể hiện sự phản kháng. Ở đây, tác giả cho thấy, tất cả đều chỉ là hành động đơn phương của A Sử. A Sử vẫn luôn muốn giữ Mị làm của riêng của mình. Còn Mị, chẳng bao giờ quan tâm A Sử là ai. Trong đầu Mị không có hình ảnh của A Sử. Bởi vậy, mọi nỗi đau mà A Sử gây ra, đều không làm Mị bận tâm. Khác với Mị trước kia. Mị trong đêm tình xuân này dù im lặng nhưng trong tâm hồn đã biến đổi thành một Mị hoàn toàn khác. Đó là cô Mị đang mê đắm trong những kỷ niệm tình yêu, đang khát khao về một cuộc sống tự do, được là chính mình.

“Trong bóng tối, Mị đứng im như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào!” Mị vùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Việc gì cần làm Mị đã làm. Dù là trong cơn say, trong vô thức nhưng nhà văn Tô Hoài vẫn cho độc giả thấy, tương lai Mị sẽ thay đổi. Sự biến chuyển tâm trạng phức tạp trong đêm tình hôm nay là dấu hiệu cho môt cuộc vùng lên đầy mạnh mẽ.

Kết bài

Khen thay cho tài năng xây dựng nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân chúng ta càng thấy rõ hơn điều đó. Việc miêu tả chi tiết, đặc tả diễn biến tâm trạng và hành động của Mị cho thấy nhà văn đã thực sự nhập tâm vào nhân vật. Ông đã biến chính mình thành Mị đã suy nghĩ, để hành động và cảm nhận. Nhờ thế, mà nhân vật của nhà văn vô cùng sinh động, chân thực và có chiều sâu hơn về tâm lý. Sự thay đổi tâm lý, tâm trạng của Mị trong đêm tình ấy đã nung nấu trong lòng cô ngọn lửa đấu tranh, khát khao sống tự do. Nó mang tới cho bạn đọc thông điệp, tận sâu trong tim mỗi người luôn có một sức sống tiềm tang mãnh liệt. Vì thế hãy sống sao cho ý nghĩa, đừng sống hoài sống phí.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *