Điều trị u buồng trứng xoắn

U nang buồng trứng xoắn là biến chứng thường gặp nhất của u buồng trứng. Khi u nang buồng trứng xoắn mạnh, người bệnh cảm thấy đau dữ dội ở vùng bụng dưới, choáng, có thể ngất xỉu cùng nhiều triệu chứng kèm theo khác. Việc điều trị thuận lợi hay phức tạp phụ thuộc vào tình trạng xoắn đã làm vỡ u nang hay chưa.

1. U buồng trứng xoắn là gì?

 

U buồng trứng là những khối u hình thành ở buồng trứng phụ nữ, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ em bé đến người già đều có nguy cơ mắc bệnh. U buồng trứng có thể dạng đặc, dạng nang hoặc hỗn hợp giữa đặc và nang. Trong đó, u dạng nang là loại thường gặp nhất, chiếm 3.6% các bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ.

U nang buồng trứng xoắn là biến chứng thường gặp nhất của u buồng trứng. U buồng trứng xoắn thường xảy ra ở những khối u có trọng lượng vừa phải, đường kính trung bình từ 8-15cm, cuống dài, không dính. Có hai hình thức xoắn là:

1.1 Xoắn cấp tính

Bệnh cảnh xảy ra đột ngột, bệnh nhân đau bụng dữ dội, có thể ngất xỉu, mạch huyết áp ổn định, có thể buồn nôn, nôn, mặt tái xanh, vã mồ hôi, hoảng hốt,…Khối u di động hạn chế, khi khám ấn vào rất đau.

1.2 Xoắn bán cấp

Đau từ từ âm ỉ, khi thay đổi tư thế thì giảm hoặc hết đau do tự tháo xoắn, nhưng thỉnh thoảng lại tái phát, có thể xuất hiện xoắn cấp tính nếu u xoắn mạnh, u nang không trở về được vị trí ban đầu.

Ngoài ra, u nang buồng trứng xoắn có thể gây bí trung đại tiện, nếu kích thước u lớn có thể chèn ép các cơ quan xung quanh gây các triệu chứng như tiểu rắt, tiểu khó nếu chèn bọng đái, phù hai chi dưới nếu chèn ép hệ tĩnh mạch, táo bón nếu chèn ép trực tràng,…

U nang buồng trứng xoắn có thể gây bí trung đại tiện

Khi bị u buồng trứng xoắn, máu bẩn sẽ đọng trong khối u ngày càng nhiều làm khối u phình to dần, nếu không được điều trị kịp thời, u có thể bị hoại tử, vỡ gây viêm ổ bụng, chảy máu ổ bụng cấp tính, đây là tình trạng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

2. Nguyên nhân gây u buồng trứng xoắn

 

Các nguyên nhân gây u nang buồng trứng xoắn có thể là:

  • Người phụ nữ có u nang đi lại, chạy nhảy nhiều làm khối u di chuyển trong ổ bụng.
  • Sau sinh, tử cung thu hồi làm ổ bụng trống, khối u di chuyển dễ nên nguy cơ xoắn cao hơn.
  • Do tính chất khối u có cuống dài và không bám dính với các tổ chức xung quanh nên chúng có tính di động cao, dễ dàng xoay chuyển, kết hợp với sự di chuyển hoặc thay đổi tư thế của phụ nữ nên càng dễ xoắn.

3. Điều trị u buồng trứng xoắn

 

Nếu được phát hiện sớm, khi u nang buồng trứng xoắn chưa vỡ, bệnh nhân sẽ được tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ khối u.

Nếu u nang buồng trứng xoắn có kèm theo xoắn buồng trứng thì cần tháo xoắn. Nếu buồng trứng tiên lượng có thể hồi phục được, khi tháo xoắn các mạch máu chèn ép được phục hồi cung cấp máu cho buồng trứng trở lại, buồng trứng sẽ bảo tồn để thực hiện các chức năng quan trọng như chức năng nội tiết (giúp sản xuất hormon làm cơ thể phụ nữ mịn màng, có kinh nguyệt, tóc mượt,…) và chức năng ngoại tiết giúp cơ thể rụng trứng mỗi tháng. Nếu khi tháo xoắn mà nhận thấy một phần buồng trứng đã bị hoại tử thì phần buồng trứng đó sẽ bị cắt đi, phần buồng trứng còn lại vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo chức năng sinh sản.

Khi u buồng trứng xoắn đã có biến chứng hoại tử hoặc viêm phúc mạc thì việc điều trị rất phức tạp, dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn ruột, dính ruột gây tắc ruột. Nếu u buồng trứng xoắn phát hiện muộn, khối u đã bị hoại tử, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

4. Phòng ngừa u nang buồng trứng xoắn

 

Để phòng ngừa biến chứng xoắn u nang buồng trứng, nên khám phụ khoa và siêu âm theo định kỳ. Nếu phát hiện sự có mặt của nang buồng trứng, cần tích cực điều trị, tuân thủ điều trị và tái khám theo định kỳ.

Nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ từ việc dùng thuốc, ăn uống, lối sống sinh hoạt. Sau khi mổ u nang buồng trứng, cần tái khám thường xuyên và áp dụng các biện pháp phòng ngừa u nang tái phát.

Lối sống có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ phát triển u nang buồng trứng. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, nên chú ý uống đủ nước, giảm căng thẳng (vì căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn hormone) bằng cách tập yoga, thiền, các bài tập thở,… Tăng cường hoạt động thể chất, kiểm soát cân nặng để giúp điều chỉnh cân bằng nội tiết tố, giảm nguy cơ xuất hiện u nang.

Tập yoga để giảm nguy cơ mắc bệnh

 

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán xác định được bệnh. Do đó, khám phụ khoa kết hợp siêu âm theo định kỳ là phương pháp phòng ngừa quan trọng, việc phát hiện bệnh càng sớm sẽ càng ít ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ sau này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *