Dị ứng ngô: Triệu chứng, phản ứng, cách điều trị

Dị ứng ngô là tình trạng hiếm gặp nhưng các phản ứng xảy ra rất nhanh và nghiêm trọng. Do đó, nếu bạn bị nổi mề đay hoặc phát ban trên da, buồn nôn, nôn… sau khi ăn ngô thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

1. Ăn ngô có dị ứng không?

 

Mặc dù là một loại thực phẩm phổ biến nhưng ngô ít khi xảy ra dị ứng hơn so với các loại thực phẩm khác như: Đậu phộng, hạt óc chó, hạnh nhân, sữa, đậu nành, cá, động vật có vỏ hoặc trứng.

Nguyên nhân dị ứng ngô là do cơ thể hiểu nhầm các thành phần có trong ngô gây hại cho cơ thể, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại, dẫn đến một số triệu chứng như:

  • Nổi mề đay hoặc phát ban trên da;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Đau bụng, chuột rút, tiêu chảy;
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;
  • Hắt xì;
  • Hen suyễn;
  • Nguy hiểm hơn là sốc phản vệ, tử vong.

2. Chẩn đoán dị ứng ngô như thế nào?

 

Mặc dù dị ứng ngô hiếm gặp nhưng các phản ứng xảy ra rất nhanh và nghiêm trọng. Do đó, nếu bạn có các dấu hiệu trên sau khi ăn ngô thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Để chẩn đoán dị ứng bắp ngô, bác sĩ sẽ hỏi bạn đã ăn những gì? Các phản ứng như thế nào? Tình trạng sức khỏe ra sao và tiền sử trong gia đình có ai bị dị ứng thực phẩm không? Những câu hỏi này nhằm mục đích loại trừ các vấn đề sức khỏe khác có thể gây ra phản ứng tương tự.

Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện một xét nghiệm thông thường về dị ứng thực phẩm, gọi là xét nghiệm chích da hoặc xét nghiệm vết xước. Quy trình xét nghiệm này được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Nhỏ dung dịch có một ít hạt bắp vào cánh tay hoặc lưng của bạn.
  • Bước 2: Bác sĩ sẽ châm hoặc cào xước da của bạn một chút để dung dịch dưới da. Thử nghiệm này có cảm giác giống như một vết xước trên móng tay và không làm bạn đau hay chảy máu.
  • Bước 3: Nếu vết sưng tấy xuất hiện ở nơi bị trầy xước, điều đó có nghĩa là bạn đang bị dị ứng ngô.

Ngoài xét nghiệm vết xước, một phương pháp khác để kiểm tra bạn có dị ứng với ngô không, đó là chế độ ăn kiêng. Hãy tránh xa ngô và các sản phẩm từ ngô trong vài tuần và xem liệu các triệu chứng của bạn có biến mất hay không.

Để xác định ăn ngô có dị ứng không. bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm

3. Phòng ngừa và điều trị dị ứng ngô

 

Khi bị dị ứng ngô, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc kháng histamin để điều trị các triệu chứng nhẹ. Đồng thời, đề nghị bạn luôn mang theo một loại thuốc gọi là epinephrine, để phòng trường hợp có phản ứng xấu.

Về cách phòng ngừa dị ứng ngô, tốt nhất là bạn không nên ăn các thực phẩm chứa thành phần này, ví dụ như: Thịt nguội, ngũ cốc, mứt, đồ ăn nhẹ, bánh mì, nước sốt salad, trái cây và nước trái cây đóng hộp, sữa chua, pho mát, soda….

Ngoài thực phẩm, ngô còn có trong kem đánh răng, dầu gội đầu, vitamin, đồ trang điểm, bút màu, thức ăn cho vật nuôi, quần áo, sơn và xà phòng rửa bát. Vì vậy, hãy kiểm tra nhãn thực phẩm cẩn thận trước khi sử dụng.

Tuy nhiên, rất khó có thể phòng ngừa hoàn toàn những yếu tố gây nên dị ứng ngô. Do đó, để hạn chế tình trạng này, bạn nên:

  • Khi tham gia các buổi dã ngoại và tiệc tùng, bạn nên mang theo thức ăn riêng.
  • Đeo vòng tay cảnh báo y tế cho biết bạn bị dị ứng thực phẩm.
  • Nếu con bạn bị dị ứng ngô, hãy thông báo với nhà trường về điều này.
  • Bạn nên mua thực phẩm tươi (không chế biến hoặc đóng gói). Chọn trái cây, rau nguyên chất và cẩn thận với những sản phẩm chế biến như bột nở, dầu thực vật,…

Tóm lại, dị ứng ngô và các bệnh lý dị ứng khác rất nguy hiểm, có thể gây sốc phản vệ, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Do đó, nếu có nguy cơ bị dị ứng bạn nên làm xét nghiệm dị ứng để có phương pháp phòng ngừa thích hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *