Nhiễm khuẩn thường khởi phát ở một vị trí khác của cơ thể, vi khuẩn sẽ đi vào máu và di chuyển đến khớp. Nếu không được phát hiện điều trị sớm, người bệnh sẽ phải đối diện với nhiều hậu quả nguy hiểm.
Viêm khớp sinh mủ hay viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn tại khớp do vi khuẩn hoặc virut gây ra tại khớp hay hoạt dịch bao quanh khớp.
Nhiễm khuẩn thường khởi phát ở một vị trí khác của cơ thể, vi khuẩn sẽ đi vào máu và di chuyển đến khớp. Nếu không được phát hiện điều trị sớm, người bệnh sẽ phải đối diện với nhiều hậu quả nguy hiểm.
Nguyên nhân do đâu?
Ai cũng có thể mắc viêm khớp sinh mủ, tuy nhiên những người đã mắc sẵn các bệnh về khớp như viêm khớp, gút hay lupus, có tiền sử phẫu thuật khớp, mắc một số bệnh về da, có vết thương hở, có hệ miễn dịch yếu,… Viêm khớp nhiễm khuẩn do lậu cầu, lậu cầu khuẩn chiếm tới 70-75% nhiễm khuẩn khớp ở người lớn dưới 40 tuổi. Viêm khớp nhiễm khuẩn không do lậu cầu, nguyên nhân hay gặp nhất là do vi khuẩn gram dương đặc biệt là tụ cầu vàng (50-70% trường hợp), liên cầu (20%), phế cầu… Tuy nhiên, có khoảng 5-10% trường hợp nhiễm đồng thời nhiều loại vi khuẩn, đây là loại nhiễm khuẩn khớp thường gặp sau chấn thương.
Bệnh do vi khuẩn sinh mủ nguyên nhân chính là do tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, lậu cầu, não mô cầu gây nên.
Dấu hiệu nhận biết
Thường xảy ra cấp tính, gồm hai bệnh cảnh viêm khớp nhiễm khuẩn không phải do lậu cầu và do lậu cầu. Viêm khớp nhiễm khuẩn không do lậu cầu: Thường xảy ra ở một khớp đơn độc (90% trường hợp), hay gặp nhất là khớp gối khi đó triệu chứng tại khớp: sưng nóng đỏ đau, có thể tràn dịch khớp, co cơ, hạn chế vận động. Người bệnh sốt, kèm rét run, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi.
Nhiễm khuẩn khớp do lậu cầu: Có hai bệnh cảnh lâm sàng trong nhiễm khuẩn do lậu cầu: Hội chứng nhiễm khuẩn lậu cầu phát tán: sốt, rét run, ban đỏ và mụn mủ ngoài da cùng các triệu chứng viêm khớp, triệu chứng tại bộ phận sinh dục như đái buốt, đái rắt, đái máu – mủ… Viêm nhiều khớp nhỏ có tính chất di chuyển kèm viêm bao hoạt dịch – gân.
Viêm khớp thực sự do lậu cầu: Thường tổn thương một khớp đơn độc như háng, gối, cổ tay, cổ chân với triệu chứng sưng nóng đỏ đau, có thể tràn dịch khớp. Có thể kèm theo viêm nhiễm ở đường tiết niệu, sinh dục như đái buốt, đái rắt, đái máu – mủ…
Dễ nhầm lẫn
Do bệnh xảy ra ở các khớp nên dễ nhầm với các bệnh trong đó có viêm khớp do gút cấp, viêm khớp do lao, viêm khớp do virut, nấm, kí sinh trùng,… Tuy nhiên, viêm khớp do gút cấp triệu chứng viêm rầm rộ, sưng nóng đỏ đau đột ngột, thường vị trí ở các khớp chi dưới, đặc biệt bàn ngón chân. Điều đặc biệt, tiền sử thường có những đợt viêm tương tự, thời gian kéo dài không quá 2 tuần, thường khởi phát sau bữa ăn thịnh soạn. Điều trị bằng colchicin hoặc chống viêm giảm đau không steroid đáp ứng nhanh.
Trường hợp viêm khớp do lao thì triệu chứng viêm kém rầm rộ, sưng nóng đỏ đau ít. Triệu chứng toàn thân kín đáo (sốt nhẹ về chiều, gầy sút, nổi hạch ngoại biên…),… Để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm như: xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm dịch khớp, cấy máu tìm vi khuẩn gây bệnh và các chẩn đoán hình ảnh như: chụp Xquang, siêu âm khớp, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ…
Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm và tích cực
Liệu trình điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn do vi khuẩn thường bắt đầu bằng kháng sinh. Điều quan trọng là cần phải tuân thủ lịch trình điều trị và sử dụng hết liều thuốc kháng sinh đã được chỉ định. Nhiều trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn cần phải dẫn lưu dịch khớp để loại bỏ phần dịch bị viêm, giúp giảm đau, giảm sưng và phòng tổn thương cho khớp. Dịch khớp thường được dẫn lưu bằng nội soi hoặc mổ mở. Các biện pháp điều trị khác để giảm đau có thể được sử dụng kèm với điều trị nhiễm khuẩn như: cho khớp nghỉ ngơi, vật lý trị liệu,…
Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể điều trị khỏi hoàn toàn được nếu được điều trị sớm và tích cực. Người bệnh thấy các triệu chứng hay nghi ngờ đau bất thường tại khớp cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.