Hệ thống cửa sổ được bố trí ngẫu nhiên với những hình dạng khác nhau vừa mang lại yếu tố thẩm mỹ mới lạ, vừa giữ lượng ánh sáng tự nhiên vào nhà ở mức tối thiểu.
Tọa lạc tại trung tâm thành phố Jakarta, Indonesia với khí hậu quanh năm nắng nóng, EV House gặp bất lợi lớn khi môi trường bao quanh luôn tắc nghẽn có và không gian hạn chế để xây dựng. Tuy nhiên, kiến trúc sư của HMP Architects đã biến những thách thức thành giải pháp hợp lí để điều tiết nhiệt độ tốt hơn.
Thiết kế mái vát để cản bức xạ nhiệt
Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống một mặt phẳng, dòng khí nóng sẽ đi theo hai hướng: đi thẳng xuyên qua mặt phẳng và đập trở lại không khí. Tận dụng nguyên lý này cùng với việc tính toán góc chiếu của mặt tiền nhà hướng đông, kiến trúc sư của HMP Architects đã mạnh dạn tạo một đường cắt ở góc xiên để cản tối đa bức xạ nhiệt vào trong nhà.
Thiết kế mái vát giúp ngôi nhà cản được tối đa lượng không khí nóng hấp thụ vào trong
Toàn cảnh hướng nhìn bên ngoài của ngôi nhà EV House
Để hạn chế lượng nhiệt hấp thụ vào bên trong nhà, một giải pháp thiết kế có lẽ là chưa đủ. Hệ thống cửa sổ được bố trí ngẫu nhiên với những hình dạng khác nhau vừa mang lại yếu tố thẩm mỹ mới lạ, vừa giữ lượng ánh sáng tự nhiên vào nhà ở mức tối thiểu.
Thiết kế các dải ô cửa sổ khiến ngôi nhà đẹp như một chiếc hộp đèn vào buổi tối
Lựa chọn vật liệu xây dựng cản nhiệt tốt
Mặt tiền của ngôi nhà được xây dựng từ chất liệu nhựa đường. Đây là loại vật liệu xây dựng giảm đến 70% lượng nhiệt từ ánh sáng mặt trời đi vào nhà. Ngoài ra, một ưu điểm khác của nhựa đường là đòi hỏi ít sự chăm sóc hơn các vật liệu xây dựng khác. Điều này giúp cho chủ nhân của ngôi nhà không cần phải lo lắng quá nhiều về việc bảo trì không gian bên ngoài.
Chất liệu nhựa đường có khả năng cản nhiệt lên đến 70%
Hệ thống đối lưu không khí tuyệt vời
Với nhiệt độ trung bình liên tục trên 30 độ C, dù áp dụng nhiều giải pháp thiết kế cản bức xạ nhiệt, ngôi nhà vẫn không tránh khỏi tình trạng khí nóng từ bên ngoài hấp thụ vào. Đối lưu không khí chính là cách không giữ lại lượng nhiệt quá lâu trong nhà bằng việc đẩy chúng ra.
Hình vẽ mặt cắt ngôi nhà với biện pháp đối lưu không khí
Kiến trúc sư mở một khoảng diện tích ở đuôi ngôi nhà để làm giếng trời kết hợp hành lang với mục đích đối lưu không khí. Giữa cầu thang và các phòng chức năng là một hành lang trống và ít có tường ngăn cách. Lối thiết kế này cho phép không khí được lưu thông từ cửa sổ vào trong nhà, tản ra không gian rộng và đẩy lên mái do khí lạnh luôn ở dưới và khí nóng luôn ở trên. Cầu thang hoạt động như một vòng tuần hoàn thẳng đứng, được sử dụng để cho luồng không khí trong lành vào nhà và tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày từ giếng trời phía trên cầu thang vào phòng.
Không khí trong nhà được đối lưu qua khu vực cầu thang này
Hệ thống cửa lùa cho phép gia chủ lắp đặt điều hoà ở các gian phòng chức năng
Hành lang trống nối giữa các phòng và cầu thang với chức năng tản nhiệt
Thiết kế nội thất hạn chế cảm giác chật chội
Nằm trên một khu đất có diện tích mặt tiền lớn và chiều sâu nông, ngôi nhà vẫn đối mặt với cảm giác chật chội như các ngôi nhà ống thông thường khác. Gỗ sồi được sử dụng đa phần trong đồ nội thất với đường nét thiết kế đơn giản để mang lại cảm giác gọn gàng. Bên cạnh đó, trần, tường và gạch ốp được sơn với tông màu sáng để ăn gian cảm giác rộng rãi.
Phòng khách với một khu vực ngoài trời riêng để tận hưởng không gian ngoại cảnh
Phòng bếp nối liền với phòng khách nằm tại tầng 1 của ngôi nhà
Phòng ngủ đơn với lối thiết kế đơn giản nhưng hiện đại, sử dụng hai tone màu chủ đạo: trắng – xám
Phòng ngủ đôi với gác lửng để tăng diện tích sinh hoạt cá nhân
Phòng tắm ăn gian diện tích với tấm gương lớn khiến không gian trông rộng hơn
Chủ nhân ngôi nhà dành riêng một diện tích để làm phòng thay đồ
Với nhiều giải pháp thiết kế thông minh, EV House chắc chắn sẽ đem lại cảm giác mát mẻ và thư thái cho chủ nhân ngôi nhà. Dường như trong kiến trúc, không có sự bất lợi nào không được giải quyết nhờ sức sáng tạo và hiểu biết tuyệt vời của những nhà thiết kế.