Sodam-Sodam – ngôi nhà ở ghép dành riêng cho các bạn nữ có cách thiết kế tinh tế, đáng chú ý nhất là tầng trên cùng
Nhà ở ghép đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở những thành phố đông đúc. Sodam-Sodam – một ngôi nhà nằm tại Seoul cũng như vậy. Ngôi nhà này có thể cung cấp chỗ ở cho 10 người, đều là nữ giới. Điều đặc biệt ở Sodam-Sodam là sự đơn giản nhưng tinh tế và cách thiết kế “khác biệt” so với nhiều công trình khác tại Hàn Quốc.
Sodam-Sodam là ngôi nhà ở ghép có hình dáng độc đáo, nằm trong khu đô thị đông dân ở Seoul
Câu hỏi đầu tiên của đội ngũ KTS cho dự án: “vẻ đẹp, tính thẩm mỹ của một ngôi nhà ở ghép trong thời đại hiện nay là gì?”
Câu trả lời thực ra rất đơn giản: đó là một công trình có thiết kế độc đáo, không gian rộng rãi với đầy đủ các gian phòng như phòng bếp, phòng ăn, phòng khách và phòng tắm. Các gian phòng mang tính cá nhân thì sẽ càng lý tưởng. Điều đó càng trở nên ý nghĩa hơn với một thành phố đông đúc và đắt đỏ như Seoul.
Nhờ việc định hướng như vậy, công việc của các KTS cũng trở nên đơn giản và rõ ràng hơn: biến không gian chung trở nên rộng rãi hơn, đẹp hơn trong một mảnh đất có diện tích hạn hẹp.
Là một ngôi nhà dành cho 10 người, diện tích của Sodam-Sodam không phải là rộng
Cách thiết kế “đặc biệt” của Sodam-Sodam
Công việc đầu tiên của KTS là phải xác định được vị trí của không gian chung. Phần lớn các ngôi nhà ghép hiện nay tại Hàn Quốc, không gian chung thường được đặt ở tầng 1 để tối đa hóa và đa dạng hóa không gian bằng cách kết nối với không gian bên ngoài. Nhưng với Sodam-Sodam, các KTS đã lựa chọn cách đặc biệt hơn một chút. Đó là đặt không gian sinh hoạt chính ở tầng trên cùng, bên cạnh không gian phụ ở tầng thấp nhất.
Không gian sinh hoạt chung của Sodam-Sodam nằm ở tầng trên cùng
Lý giải cho điều đó là do Sodam-Sodam nằm giữa khu dân cư đông đúc ở Shinrim-dong, Seoul; chỉ dành cho nữ giới nên việc bố trí không gian chung ở tầng thấp không thực sự hợp lý. Chưa kể đến việc bị thiếu sáng do các tòa nhà xung quanh và mảnh đất mà Sodam-Sodam tọa lạc lại thấp hơn.
Theo sự tính toán của các KTS, đặt không gian sinh hoạt chung ở tầng 1 sẽ gặp phải rất nhiều hạn chế: thiếu sáng, không đảm bảo sự riêng tư…
Không gian chung ở tầng trên cùng của ngôi nhà sở hữu góc nhìn tuyệt đẹp: bao quát được cả khu phố, nhìn ra được núi và đón được ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, các KTS đã khéo léo bố trí thêm 1 không gian chung nữa ở ngay tầng 1. Đó là một không gian khá yên tĩnh. Nơi mà mọi người có thể cùng nhau xem phim, nói chuyện và tâm sự. Không gian thông ra một hiên nhỏ bên ngoài nhưng đảm bảo tính riêng tư nhờ hàng rào bao quanh.
Khu vực sinh hoạt chung được đặt ở tầng cao, ngập tràn ánh sáng
Căn bếp có trần khá cao với không gian lưu trữ cá nhân tiện lợi
Không gian phòng ăn đặt một chiếc bàn gỗ cứng liên kết với gian bếp
Ngồi trên chiếc ghế sofa ấm cúng trong phòng khách, bạn có thể nhìn thấy ngọn núi gần đó qua một khung cửa sổ rộng
Ở dưới tầng 1, phía sau còn có một hiên nhỏ
Hiên nhỏ này là nơi tâm sự của các bạn nữ được bảo vệ bởi tường rào bao quanh
Tối đa hóa diện tích các phòng riêng nhờ cách thiết kế thông minh
Đối với các phòng riêng, đội ngũ KTS đã áp dụng cấu trúc sàn ngắt quãng (skip-floor) để tối đa hóa không gian. Bằng cách bỏ bớt hành lang vào phòng, không gian không chỉ rộng thêm mà còn thay đổi cách tiếp cận trong việc xây dựng. Thay vì dùng 1 khoảng sàn liền mạch thì sàn ngắt quãng giúp không gian thoáng hơn, thậm chí, tiết kiệm được diện tích một cách thông minh. Ngoài ra, cầu thang chạy ở trung tâm ngôi nhà, cùng màu với nội và ngoại thất tạo nên sự thống nhất.
Hành lang được bố ở trung tâm của ngôi nhà
Gam màu cam của tường hòa với màu nâu gỗ tạo sự ấm cúng. Đều là những gam màu nóng nhưng không gian vẫn đủ sáng
Hành lang trong nhà đã được bỏ bớt để tối đa hóa diện tích
Mỗi một tầng có nhà vệ sinh, nhà tắm, máy giặt, máy sấy khô riêng. Đồ đạc trong phòng ở dạng âm tường để tiết kiệm diện tích. Ngoài tủ riêng, dưới tầng 1 còn có 1 nhà kho lớn để trữ đồ thêm tiện lợi. Tương tự như vậy, không gian lưu trữ cá nhân cũng được sắp đặt thêm ở 1 số vị trí khác như phía trước hành lang, phòng tắm hay căn bếp.
Căn phòng nhỏ nhưng trang nhã nhờ gam màu sáng, trái ngược với hành lang và cầu thang ở bên ngoài
Nội thất tối giản và thanh lịch. Tường bê tông trần nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ
Tủ âm tường giúp tiết kiệm diện tích lưu trữ trong từng phòng
Đồ đạc được bố trí xung quanh cầu thang trung tâm
Khu vực riêng tư đảm bảo sự yên tĩnh cần có
Ngôi nhà nhỏ, đơn giản nhưng cung cấp chỗ ở thoải mái cho 10 bạn nữ
Các KTS mong muốn Sodam-Sodam không chỉ là một ngôi nhà bê tông mà còn là công trình sở sử hữu sự đơn giản và tinh tế
Về ngoại thất, ngôi nhà hiện lên với vẻ bề ngoài đơn giản và trang nhã. Đó là một thành công của đội ngũ KTS. Sodam-Sodam thực sự tinh tế và khác biệt trong khu phố với đầy rẫy những công trình kiến trúc phức tạp và rối loạn.