Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, nhiều yếu tố đời sống như khói bụi, thức ăn đang ảnh hưởng dần đến sự biến đổi trong cơ thể con người, khiến không ít trẻ sinh ra vốn bị bệnh hay dị tật từ nhỏ. Dưới đây là những phương pháp giúp cho Mẹ bầu giảm rủi ro sinh con dị tật.
Không khí ôi nhiễm liên quan đến dị tật bẩm sinh và bệnh tim
Theo thông tin mới nhất từ cơ quan Nghiên cứu phòng chống dị tật bẩm sinh, Mỹ, sự xuống cấp của môi trường là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng dị tật bẩm sinh. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành quan sát hàng ngàn phụ nữ để tìm kiếm mối liên hệ giữa việc tiếp xúc không khí ô nhiễm trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ, kết quả nghiên cứu cho thấy: không khí “bẩn” (có nhiều CO, NO2 và một số chất khí vô cơ khác) có liên quan đến bệnh tim và dị tật bẩm sinh.
Tránh xa khói bụi giao thông
Ngoài ra, theo một nghiên cứu từ trường đại học Stanford công bố trên tạp chí Epidemiology của Mỹ cũng cho thấy, những phụ nữ tiếp xúc nhiều với khói bụi giao thông trong giai đoạn đầu của thai kỳ sẽ tăng nguy cơ sinh con bị dị tật.
Nghiên cứu tìm hiểu 806 phụ nữ đã sinh con bị dị tật và 849 phụ nữ sinh con khỏe mạnh ở thung lũng San Joaquin, California. Nơi đây vốn được biết là một trong số những vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất do khí thải giao thông ở Mỹ.
Sau khi tính đến các yếu tố như chủng tộc, trình độ văn hóa của mẹ thì các nhà nghiên cứu kết luận rằng những phụ nữ mang thai tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí có nguy cơ sinh con dị tật cao hơn gấp 2 lần so với người ít bị ảnh hưởng ô nhiễm. Các dị tật mà em bé có thể mắc như nứt đốt sống hoặc thai vô sọ.
Tuy nghiên cứu phát hiện ra mối liên quan giữa ô nhiễm không khí do giao thông với dị tật tim bẩm sinh song vẫn chưa chứng minh được đây là mối quan hệ nhân quả.
Tóm lại, khi mức độ “đậm đặc” của khói bụi từ những khu công nghiệp, từ lưu lượng xe “nhìn đâu cũng thấy kẹt” ngày càng tăng, thì chúng ta lại càng cần bảo vệ sức khỏe hơn bao giờ hết. Bạn nhớ đeo khẩu trang khi tham gia giao thông, vệ sinh không gian nhà sạch sẽ nhé. Thói quen đơn giản nhưng giúp bạn đẩy xa nhiều bệnh tật nguy hiểm đấy.
Ngoài ra các Mẹ bầu cần tránh 10 điều sau đây
1. Bổ sung Acid Folic hàng ngày, ngay từ khi dự định mang thai cho đến khi thai nhi ít nhất 3 tháng tuổi.
Nhiều khuyết tật thai nhi xảy ra rất sớm ở đầu thai kỳ, thậm chí xảy ra trước khi người phụ nữ biêt mình mang thai, như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, liệt các chi, não úng thủy, nứt đốt sống… Đó chính là các khiếm khuyết có nguồn gốc từ dị tật ống thần kinh thai nhi.
Để ngăn ngừa 93% nguy cơ dị tật này, các chuyên gia sức khỏe đã khuyến cáo phụ nữ nên bổ sung Acid Folic ngay từ khi dự định mang thai, để bảo đảm nồng độ Acid Folic trong máu đạt đến mức cần thiết ngay tại thời điểm thụ thai.
2. Tuyệt đối không dùng thức uống chứa cồn.
Khi người mẹ uống rượu, bia, em bé trong bụng cũng “uống”. Rượu trong máu thai phụ truyền dẫn đến thai nhi qua dây rốn. Uống rượu trong khi mang thai có thể làm cho em bé sinh ra bị hội chứng rối loạn ảnh hưởng do rượu trên bào thai.
3. Không hút thuốc
Hút thuốc mang lại nguy cơ sinh non, khuyết tật sứt môi, hở vòm miệng và thậm chí tử vong. Ngay cả khi người mẹ hít khói thuốc bị động thì thai nhi cũng gặp một số nguy cơ về sức khỏe. Cả hai vợ chồng cùng bỏ thuốc lá trước khi có thai là tốt nhất.
4. Không dùng thuốc có chất gây nghiện
Thai phụ dùng thuốc có chất gây nghiện có thể bị sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc thai nhi có thể gặp các khuyết tật khi sinh. Phụ nữ nghiện cocain khi mang thai có thể sinh con bị khuyết tật ở tay, chân, hệ tiết niệu và tim.
5. Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ uy tín trước khi dùng thuốc
Sử dụng một số thuốc điều trị nào đó có thể gây khuyết tật thai nhi. Nếu bạn cần điều trị bệnh hay gặp vấn đề sức khỏe nào đó khi đang mang thai hay đang dự định mang thai, nên nói rõ điều này với bác sĩ để bác sĩ có thể kê toa đúng cho bạn.
Dùng thực phẩm chức năng hay thảo dược cũng nên xem kỹ hướng dẫn sử dụng. Bảo đảm các sản phẩm này được chỉ định cho người phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai.
6. Phòng ngừa nhiễm khuẩn
Một vài bệnh nhiễm khuẩn nếu mắc phải trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng nguy hại cho thai nhi. Nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, an toàn, tránh cách bệnh nhiễm khuẩn triệt để trong thai kỳ.
7. Tiêm chủng đúng và đủ
Có nhiều loại vaccin an toàn và được khuyên sử dụng trong thai kỳ, nhưng một sô thì không. Dùng đúng và đủ loại vaccin, vào đúng thời điểm có thể giúp bà mẹ và em bé khỏe mạnh, an toàn. Hãy hỏi bác sĩ về lịch tiêm chủng cần thiết trước và khi mang thai.
8. Giữ đường huyết ở mức kiểm soát
Nếu bạn có vấn đề về đường huyêt, hãy cẩn thận khi mang thai. Kiềm soát đường huyết không tốt trong thai kỳ làm tăng nguy cơ khuyết tật thai nhi và những vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như gây một vài biến chứng trầm trọng cho phụ nữ. Cần theo dõi, kiểm soát đường huyết để ngăn ngừa khuyết tật thai nhi và những biến chứng xấu khác.
9. Duy trì cân nặng phù hợp
Phụ nữ thừa cân trước khi mang thai có nguy cơ biến chứng cao hơn trong suốt thai kỳ. Béo phì ở phụ nữ cũng làm tăng nguy cơ khuyết tật nghiêm trọng ở thai nhi.
Nếu bạn đang ở tình trạng thừa cân, hãy hỏi bác sĩ cách giảm cân đạt đến trọng lượng thích hợp trước khi mang thai.
10. Thăm khám sức khỏe đều đặn
Nên đi khám bác sĩ và chăm sóc thai nhi ngay khi biết mình vừa có thai. Việc thăm khám bác sĩ định kỳ trong suốt thời gian mang thai là điều nên làm. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên trong từng giai đoạn nhất định.
Mang thai là một giai đoạn tuyệt vời nhưng cũng đầy âu lo. Nên hiểu rằng bạn cần làm tất cả mọi thứ có thể để chuẩn bị cho việc có một thai kỳ khỏe mạnh và cho em bé một khởi đầu tốt đẹp trong đời.