Làng biển Nam Định gây xôn xao báo Tây với ngôi nhà bông gió
Mặt tiền nhà phủ lớp gạch bông gió được đặt nung đặc biệt, để trở thành vật liệu sành sứ tăng độ bền cho công trình.
Làng biển Nam Định gây xôn xao báo Tây với ngôi nhà bông gió
Con trai trưởng thành, định cư ở thành phố muốn xây một ngôi nhà cho mẹ sau khi cha mất. Ngôi nhà giống như một chốn để người con quay trở về tuổi thơ, với lối sống của một gia đình truyền thống, trong một không gian hiện đại. Ngôi nhà sử dụng nhiều vật liệu đặc biệt, được đặt làm riêng nên chi phí cao hơn những ngôi nhà thông thường. Không tiết lộ con số chênh lệch cụ thể nhưng gia chủ cho rằng nó hoàn toàn xứng đáng với tính bền vững và tiết kiệm năng lượng của công trình.
Ngôi nhà có diện tích xây dựng rộng 78m2 là một thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Nghĩa (Nghia-Architect). Công trình hoàn thành trong năm 2017, nằm trong một làng ven biển Nam Định.
Làng biển Nam Định thường phải đối mặt với những cơn bão lớn cũng như khí hậu khá thất thường, liên tục thay đổi trong năm nên mặt tiền ngôi nhà được làm 3 lớp linh hoạt. Lớp ngoài cùng được làm hoàn toàn từ gạch hoa (gạch bông) thông gió, được nghiên cứu và đặt hàng sản xuất riêng tại Bát Tràng.
Các viên gạch rỗng ở giữa là lớp cách nhiệt giúp mặt tiền mát hơn dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu từ phía tây. Hơn nữa, viên gạch được nung thành sành sứ, làm tăng độ bền để chống chịu được khí hậu khắc nghiệt miền Bắc.
Kế đến là lớp thứ 2 với hệ cây xanh giúp tăng sự riêng tư cho ngôi nhà, đồng thời làm dịu hơn nguồn ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào nhà. Lớp thứ 3 là cửa kính cường lực, lớp cửa này đóng mở linh hoạt để đối lưu không khí và người mẹ dễ dàng đóng cửa nhà khi tránh những cơn bão lớn.
Trong những tháng ấm hơn tại làng biển Nam Định, cửa kính được kéo lên, nối không gian trong nhà với mái hiên bên ngoài. Hoặc vào những khi gia đình cần một không gian rộng hơn để cả nhà quây quần ăn tối bên chiếc bàn treo ngoài hiên, cửa kính cũng được mở ra tạo sự liên kết liền mạch, vừa thông thoáng lại ấm cúng.
Bức tường phòng ngủ được làm từ đá tổ ong – một vật liệu tự nhiên mang từ Sơn Tây về. Dù đá tổ ong ít được sử dụng trong nội thất vì độ nhám và khó lắp chính xác, các thợ thủ công đá địa phương đã tinh chỉnh giúp tạo ra một bức tường với cửa sổ hình vòm có thể kết nối phòng ngủ với phòng khách.
Tuổi thơ của người con có nhiều kỷ niệm với vườn cây chuối trồng xung quanh nhà. Kiến trúc sư đã giúp anh mang những hình ảnh quen thuộc đó vào trong ngôi nhà mới với những bức tường in hình lá chuối bằng phương pháp chạm chìm (intaglio) lên bề mặt bê tông.
Những ngày lễ, ngôi nhà là nơi hội tụ của những đứa con, đứa cháu đi xa trở về. Vì thế nhà có nhiều không gian linh hoạt để cho đại gia đình sum họp, ở lại. Ký ức gia đình là một phần không thể thiếu trong thiết kế, trở thành một phần trong cuộc sống của gia chủ.
Ngôi nhà ở làng biển Nam Định là sự pha trộn giữa kiến trúc truyền thống nông thôn Bắc bộ với những vật liệu đặc biệt, được nằm trong danh sách tham dự giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018 (kết quả chưa được công bố).