Nếu bạn là một bệnh nhân động kinh, ngoài việc tái khám và tuân thủ đúng điều trị của bác sĩ, bạn có thể làm gì để tự giúp mình?
Động kinh do rối loạn từ các tín hiệu điện trong não, gây co giật tái diễn. VÌ thế, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng trị bệnh động kinh hiệu quả dưới đây nhé.
Thật ra biểu hiện của bệnh động kinh đa dạng hơn nhiều so với những gì mọi người hình dung.
Việc chẩn đoán, phân loại và điều trị rất phức tạp, các bạn nên phó thác cho các bác sĩ chuyên khoa động kinh. Ở đây tôi muốn cung cấp vài thông tin hữu ích mà người ngoài ngành y cần biết.
Phải làm gì khi gặp bệnh nhân đang lên cơn động kinh?
Khi bạn gặp một người đang lên cơn động kinh hãy nhớ: Nguyên tắc chính là phòng tránh tai nạn, chấn thương cho bệnh nhân:
Nới lỏng cổ áo bệnh nhân.
Cho bệnh nhân nằm tư thế nghiêng sang bên, nếu có thể thì chêm gối dưới đầu bệnh nhân.
Dời những vật nguy hiểm xung quanh bệnh nhân để tránh tai nạn, chấn thương: bàn ghế, đồ thủy tinh, vật sắc nhọn, nước nóng, …; hoặc di dời bệnh nhân khỏi nơi nguy hiểm: bếp lửa, lòng đường, bờ kênh, v.v…
Bạn có thể đỡ nhẹ tay chân bệnh nhân để hạn chế va đập xuống sàn nhà hay đồ dùng xung quanh, nhưng không được đè bệnh nhân xuống hay trói, cột bệnh nhân. Bạn không thể làm bệnh nhân ngưng co giật bằng cách này mà còn có thể gây thêm chấn thương.
Không đưa bất cứ gì vào miệng bệnh nhân. Việc này có thể gây thêm chấn thương cho bệnh nhân (nếu là vật cứng), gây cản trở hô hấp (khăn, giẻ,…), gây hít sặc vào phổi (nặn chanh vào miệng, nhét thuốc, …), hoặc làm bị thương chính bạn (đã có trường hợp người nhà đưa ngón tay vào giữa 2 hàm răng bệnh nhân).
Trong đa số các trường hợp, không nên di dời bệnh nhân một đoạn xa nếu bạn chỉ có một mình, không cõng, bế bệnh nhân xuống cầu thang, chạy trong hành lang hẹp hay nơi chật chội có nhiều đồ đạc, máy móc dễ gây tai nạn, va đập. Thông thường giai đoạn co giật của một cơn độnh kinh chỉ kéo dài một hai phút nên những việc này là không cần thiết mà lại có thể gây tai nạn.
Các bác sĩ thường muốn gặp nhân chứng đã chứng kiến tận mắt cơn động kinh và hỏi rất cặn kẽ chi tiết về những gì đã xảy ra. Điều này giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán, phân loại và quyết định điều trị.
Do đó, điều tốt nhất bạn có thể làm cho bệnh nhân là quan sát và ghi nhớ các đặc điểm, trình tự và thời gian của cơn:
Bệnh nhân có biểu hiện gì trước đó?
Cơn co giật biểu hiện đột ngột toàn thân hay chỉ khu trú một số cơ hay bắt đầu ở một vùng cơ thể trước rồi mới đến toàn thân?
Tư thế đầu, mắt, cổ, tay chân bệnh nhân … khi bắt đầu có cơn và trong lúc đang co giật?
Sau cơn bệnh nhân có những biểu hiện gì thêm?
Lưu ý, nếu không có đồng hồ bạn có thể sẽ ước lượng thời gian dài hơn thực tế rất nhiều do tâm lý lo lắng cho người bệnh. Nếu được bạn có thể dùng điện thoại quay phim cơn co giật của bệnh nhân, không phải để tung lên mạng Internet mà để cung cấp cho bác sĩ điều trị.
Sau giai đoạn co giật bệnh nhân có thể chưa lấy lại ý thức một cách hoàn toàn, tốt nhất vẫn nên để bệnh nhân nằm tư thế nghiêng sang bên, và không nên để bệnh nhân một mình cho đến khi cọ đã thục sự tỉnh táo.
Trong trường hợp bệnh nhân đã được chẩn đoán bị bệnh động kinh với những cơn tương tự trước đó, hiện chỉ có một cơn ngắn, sau cơn không có biến chứng gì thì không cần phải đưa gấp bệnh nhân đến bệnh viện. Ngoài những điều kiện này ra, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu, ví dụ như các trường hợp: lần đầu co giật, co giật trên phụ nữ có thai, co giật kéo dài gần 5 phút vẫn chưa ngưng hoặc có hai cơn liên tiếp gần nhau, sau co giật bệnh nhân hôn mê hoặc tri giác hồi phục chậm, bệnh nhân có yếu liết chi sau co giật, v.v…
Việc cần làm nếu bạn là bệnh nhân bị động kinh
Nếu bạn là một bệnh nhân động kinh, ngoài việc tái khám và tuân thủ đúng điều trị của bác sĩ, bạn có thể làm gì để tự giúp mình? Sau đây là những việc hữu ích mà bạn có thể thực hiện:
Đảm bảo là gia đình, bạn bè và đồng nghiệp bạn đã biết phải làm gì để giúp một bệnh nhân trong cơn động kinh (xem ở trên).
Luôn mang theo bên mình bản photo toa thuốc của bạn; những thông tin trên toa: chẩn đoán trước đó, tên và liều lượng thuốc đang dùng sẽ giúp ích cho bác sĩ cấp cứu rất nhiều nếu bạn chẳng may lên cơn co giật ngoài đường và được người dân đưa vào bệnh viện.
Trong quá trình điều trị, bạn nên ghi sổ theo dõi tiến triễn bệnh: số lượng cơn, thời gian, thời điểm, đặc tính, thời điểm và liều lượng thuốc tương ứng. Nên tự theo dõi cân nặng để báo cho bác sĩ điều trị.
Nếu bạn đang dùng thuốc, tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng. Nếu bạn quên một hai liều, nên hỏi bác sĩ điều trị cách xử trí, tùy theo loại thuốc, có thể uống bù hoặc bỏ qua liều đã quên.
Nếu bạn đi khám bác sĩ vì một bệnh khác, nên thông báo cho bác sĩ tình hình bệnh lý cũng như tên, liều lượng thuốc động kinh bạn đang dùng để bác sĩ tránh cho thuốc có tương tác bất lợi.
Nên có cuộc sống lành mạnh, tránh dùng rượu bia.
Nếu bệnh đã được kiểm soát tốt và hiện bạn luôn tuân thủ điều trị cũng như những lời khuyên của bác sĩ thì bạn có thể sống một cuộc sống bình thường.
Bạn có thể chơi thể thao sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ, lưu ý thực hiện những biện pháp an toàn cần thiết: mang mũ bảo hiểm, áo bảo vệ nếu chơi những trò có va chạm, mặc áo phao và đi kèm với người có khác nếu bạn đi bơi, đi xuồng v.v… (ngay cả người thường, không bị động kinh cũng nên tuân thủ những điều kiện an toàn này).
Bạn vẫn có thể lao động bình thường nhưng tránh những vị trí công tác nguy hiểm, ví dụ: làm việc trên cao, làm việc nơi có hóa chất độc hại hoặc dễ gây bỏng,…, tránh công việc liên quan đến sinh mạng nhiều người, vd: lái xe buýt, xe lửa v.v…
Nếu các cơn động kinh của bạn chưa được kiểm soát tốt, bạn cần hạn chế tối đa những tình huống có thể xảy ra tai nạn nếu bạn lên cơn co giật.