Những người bị viêm da cơ địa thường bị ngứa ngáy khó chịu nên hay dùng tay để gãi. Tuy nhiên, do ngứa gãi nhiều mà da bị dày thêm, bệnh nhân càng ngứa càng gãi gây nên vòng bệnh lý “ngứa – gãi” làm bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.
Bệnh viêm da cơ địa (hay còn được gọi là bệnh chàm, eczema) tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bệnh nhân. Khi bị viêm da cơ địa cần làm gì để bệnh không nặng lên?
Bệnh eczema không gây tử vong, nhưng gây ngứa ngáy khó chịu
Tránh gãi
Những người bị viêm da cơ địa thường bị ngứa ngáy khó chịu nên hay dùng tay để gãi. Tuy nhiên, do ngứa gãi nhiều mà da bị dày thêm, bệnh nhân càng ngứa càng gãi gây nên vòng bệnh lý “ngứa – gãi” làm bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng. Bởi vậy, khi bị bệnh bạn nên tránh gãi để ngăn ngừa nhiễm trùng. Với trẻ nhỏ nên cắt ngắn móng tay để trẻ gãi không bị xước, chảy máu trên da.
Tránh, hạn chế dùng xà phòng, sữa tắm hoặc mỹ phẩm
Khi bị viêm da không nên dùng xà phòng, sữa tắm nhất là những loại xà phòng có tính kiềm cao bởi vì các sản phẩm này có thể kích thích da khiến viêm da nặng thêm. Nếu muốn dùng xà phòng hoặc sữa tắm, bạn nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
Nếu bị viêm da ở mặt nên thận trọng khi dùng mỹ phẩm vì có thể gây dị ứng, khiến cho tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. Các loại mỹ phẩm (kể cả nước hoa) đều có thể chứa hóa chất độc hại, nhất là thành phần corticoid nếu bị nhiễm nhiều sẽ gây hại cho làn da.
Do vậy trong thời gian điều trị viêm da cơ địa bạn không nên sử dụng mỹ phẩm bừa bãi. Chỉ nên dùng các loại mỹ phẩm tự nhiên, quen thuộc và hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.
Sử dụng kem dưỡng ẩm
Bôi kem dưỡng ẩm là việc làm rất cần thiết vì nó vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Tuy nhiên cần lưu ý, kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hằng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.
Đi khám
Nếu đã áp dụng những cách trên mà tình trạng bệnh không cải thiện thì bạn nên đi khám. Bác sỹ có thể kê đơn các loại thuốc uống và bôi ngoài da như: Thuốc corticoid, thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm, thuốc kháng histamine để giảm ngứa.
Để điều trị bệnh viêm da cơ địa hiệu quả, người bệnh cần đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh như:
– Uống nhiều nước mỗi ngày, có thể thay nước lọc bằng các loại trà thanh nhiệt, nước ép trái cây tươi chứa nhiều vitamin để giải độc, bài trừ độc tố, nâng cao sức đề kháng, ăn thức ăn lỏng nhẹ.
– Tránh dùng rượu, bia, thuốc lá, cà phê, hải sản, đồ hộp, thức ăn sống, lên men, các thức ăn chế biến có nhiều gia vị cay nóng.
– Giữ vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt là vùng da bị bệnh. Tránh cọ xát, gãi, xát xà phòng vì sẽ làm vùng da bị bội nhiễm tạo nên những tổn thương khó lành.
– Có thể dùng chè tươi, lá bàng tươi nấu lấy nước để tắm. Bệnh nhân cũng nên tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng, dễ làm bệnh nặng thêm.